Tin tức
Giám định viên làm mất chứng cứ
(27/08/2012)

 

Xảy ra tình huống trớ trêu: Giám định viên sơ ý làm mất chứng cứ quan trọng là bản gốc tờ giấy vay mượn 3 tỉ đồng và hơn 500 lượng vàng...

Vào năm 2009, khi vợ chồng ông C. nộp đơn xin ly hôn thì phía gia đình vợ ông C. (chị dâu và em gái) cũng khởi kiện ra TAND quận 12 (TP.HCM) đòi ông C. phải trả nợ cho họ 3 tỉ đồng và hơn 500 lượng vàng. Chứng cứ phía này đưa ra là tờ giấy vay mượn có chữ ký của ông C.

Lúc thật lúc giả...

Bị kiện, ông C. ngỡ ngàng cho rằng mình chưa bao giờ mượn tiền cũng như chưa bao giờ ký giấy tờ vay mượn gì cả. Trước tình thế này, phía nguyên đơn đã chủ động đi giám định chữ ký của ông C. tại Phân viện Khoa học hình sự (KHHS) Tổng cục Cảnh sát ở TP.HCM. Kết quả, chữ ký trên giấy mượn tiền và chữ ký trên mẫu đem so sánh là của cùng một người.

Để khách quan hơn, tháng 3-2010, TAND quận 12 đã đưa mẫu đi trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật KHHS Công an TP.HCM. Song kết quả nhận được lại không phải do cùng một người ký. Theo đó, chữ ký của ông C. trong giấy mượn tiền là giả.

Được tòa thông báo về kết quả này, phía nguyên đơn khiếu nại và yêu cầu trưng cầu giám định lại. Tòa đồng ý nhưng lại đưa mẫu đi giám định tại Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát TP.HCM (cơ quan mà lần đầu nguyên đơn trưng cầu giám định). Kết quả lần này trùng với kết quả mà phía nguyên đơn đưa đi giám định trước đó, tức chữ ký trong giấy mượn tiền là của ông C.

Ngay sau đó, ông C. không đồng tình vì cho rằng tòa đưa đi giám định ở Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM là không khách quan. Tuy nhiên, tòa cho rằng việc đưa mẫu đi giám định lần hai tại Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM là theo đúng trình tự, thủ tục. Bởi tại TP.HCM chỉ có hai cơ quan nhà nước làm việc giám định là Công an TP.HCM, Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM. Nếu qua hai cơ quan này mà đương sự không đồng ý thì tòa mới tiếp tục trưng cầu tại Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát tại Hà Nội...

Không bị ảnh hưởng?

Thế nhưng một cái khó hiện nay mà ông C. muốn đi giám định tiếp cũng không biết phải làm sao. Bởi lẽ ngay sau khi có kết quả giám định chuyển cho tòa, Phân viện KHHS Tổng cục Cảnh sát tại TP.HCM cũng cho biết trong quá trình giám định, giám định viên đã sơ suất làm thất lạc tờ giấy mượn tiền (bản gốc)...

Thấy có sự mập mờ trong chuyện này, ông C. cũng đã làm đơn tố giác ra Cục Điều tra hình sự - VKSND Tối cao phụ trách phía Nam trước khi quyết định có tiếp tục yêu cầu giám định hay không. Hiện cơ quan này đang thụ lý giải quyết.

 

Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, thẩm phán thụ lý vụ án cho biết khi thông báo mất tài liệu gốc, phía Phân viện cũng trả lời là nếu có khiếu nại về kết quả thì vẫn có thể lấy bản phôtô và kết quả lần trước đem đi giám định lại. Việc thất lạc này không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến vụ án (!?).

Có thể khởi kiện cơ quan làm mất tài liệu

Khi trưng cầu giám định tại nhiều cơ quan và có nhiều kết quả khác nhau thì HĐXX sẽ quyết định dựa vào kết quả nào để giải quyết. Nếu tòa nhận thấy kết quả giám định sai về phương pháp giám định, thành phần giám định thì mới đưa đi giám định lại chứ không thể có việc đương sự không đồng ý thì lại đem đi giám định lại tại một cơ quan khác, tổ chức khác. Nếu đương sự không đồng ý với kết quả trưng cầu giám định của tòa thì phải chỉ ra được sự sai sót, không đầy đủ của việc giám định...

Thứ nữa, việc mất bản gốc giám định có thể nói khiến vụ án đi vào ngõ cụt. Bởi cả hai bên đều bám víu vào tờ giấy này để bảo vệ quyền lợi cho mình. Giờ lại có hai kết quả giám định khác nhau nên rất khó để đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, khó nhưng không phải không thể xử. Trong trường hợp vẫn phải xử thì HĐXX phải chọn một trong hai bản kết luận giám định mà mình đã trưng cầu giám định. Nếu HĐXX chọn kết luận thứ nhất thì phải chứng minh kết quả thứ hai sai. Chọn kết luận thứ hai thì phải có luận cứ vì sao bác bỏ kết luận thứ nhất.

Hiện nay, các cơ quan giám định đều hoạt động độc lập, không có việc cấp thấp-cấp cao hay đi theo tuyến. Nếu có yêu cầu giám định lần ba thì phải có ý kiến của VKSND Tối cao.

Ngoài ra, trong vụ án nếu đương sự nào thấy bị mất quyền lợi thì có thể khởi kiện cơ quan giám định đã làm thất lạc tài liệu. Còn trách nhiệm người làm thất lạc hay đương sự nghi ngờ các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng làm việc không minh bạch thì có thể tố giác lên Cục Điều tra VKSND Tối cao và chờ kết luận của cơ quan này...

 

Thẩm phán VŨ PHI LONG,

Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

 

PHAN THƯƠNG(phapluattp.vn)

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet